Nguyễn Đình Thành – Dịch giả cuốn "Nửa kia của Hitler":

Bài 2: "Dịch là một nghề đầy thách thức và bạc bẽo"

Thứ năm, 25/9/2008, 07:00 GMT+7

Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy và nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, có vốn sống, vốn văn hóa nhiều thì sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Thế cho nên, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.

PV:Tôi được biết rằng anh học tiếng Pháp tại ĐG Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó học chương trình đào tạo biên phiên dịch CFIT tại Học viện Quan hệ quốc tế. Trước đây, anh làm phiên dịch cho rất nhiều dự án nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace. Nhưng hầu hết bạn đọc mới chỉ biết đến anh thông qua Nửa kia của Hitler với tư cách của một dịch giả. Anh thấy hai công việc phiên dịch và biên dịch thế nào ?

NĐT: Thực ra công việc của tôi được đào tạo là phiên dịch chứ không phải là biên dịch. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ thành người biên dịch vì tôi không nghĩ mình sẽ ngồi một chỗ và làm công việc quá tỷ mẩn về từng con chữ. Nó không phù hợp lắm với tính cách ưa dịch chuyển của tôi. Công việc của người phiên dịch là đón nhận thông tin nhanh nhất và chuyển tải chính xác nhất từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác trong thời gian thực tại, trước mặt người nói, người nghe. Người đối thoại ngồi ở đó nên không hiểu thì họ có thể hỏi lại ngay. Trong khi đó, công việc biên dịch chỉ có một mình người dịch ngồi trước cuốn sách sau đó độc giả mới được đọc bản dịch của họ. Độc giả không thể hỏi được hoặc đoán được ý của những đoạn tối nghĩa hay những đoạn không hiểu. Công việc phiên dịch nhanh hơn nhưng có lợi thế là dịch xong quên ngay thông tin cũ để đón nhận thông tin mới trong khi đó với biên dịch thì bản thảo lúc nào cũng ở trước mặt và đến lúc nào mình chưa tìm được từ, ngữ, câu gần với ý tác giả nhất và dễ hiểu nhất với độc giả thì lúc đó mình chưa yên tâm. Chính vì thế trong biên dịch có chuyện cứ đau đáu mãi về một câu, một chữ làm sao để dùng cho “đắt” nhất. Khi nào mình tìm được một từ mà mình thấy quá đúng với điều tác giả muốn diễn đạt trong tác phẩm gốc thì mình mới thỏa mãn.

 

 Nguyễn Đình Thành: "Dịch là một nghề đầy thách thức và bạc bẽo"
Ảnh: M.H


Có những cuộc tìm kiếm không bao giờ có đích, có những giải pháp chỉ là tình thế và khó có thể tìm được cái như cái tác giả muốn nói và nhiều lúc mình phải chấp nhận điều đó. Phiên dịch thì có thể diễn giải đến khi độc giả hiểu còn biên dịch thì không thể diễn giải bằng ngôn ngữ của mình được. Tôi chưa giờ nghĩ mình sẽ làm biên dịch cả. Nhưng tôi có một điểm không biết là mạnh hay yếu là sống rất nhiều bằng đam mê. Khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để thực hiện đam mê đó.

PV:Anh ý thức thế nào về công việc dịch của bản thân mình ?

NĐT: Người dịch là người chia sẻ niềm vui. Mình được học là để truyền tải thông điệp cho những người khác. Có những thứ mình thấy hay quá và mình muốn chia sẻ nó cho tất cả mọi người để làm cho cuộc sống tốt hơn. Công việc dịch cũng như thế. Tôi vốn là dân phiên dịch nên có một cảm nhận rất khác về chữ nghĩa. Mỗi con chữ không phải là một lời nói bình thường mà qua đó chúng thể hiện nhân sinh quan của một con người, một dân tộc.

PV:Sự thành công đột ngột dễ làm cho dễ làm cho con người ta ảo tưởng về mình. Bản thân anh thì sao ?

NĐT: Nghề dịch đầy thách thức và nguy hiểm đặc biệt là biên dịch. Thách thức là thời gian và công sức đầu tư cho nó rất nhiều nếu như đó là người dịch có tâm huyết nhưng thù lao nhận được lại rất thấp so với sức lao động họ bỏ ra. Nó nguy hiểm vì rất khó để có thể chuyển tại trọn vẹn điều tác giả muốn nói. Nếu không sống ở Pháp thì khó có thể miêu tả hay về khát khao đi nghỉ của người Pháp vào tháng 8. Phải ngồi trong phòng làm việc khi gần như tất cả mọi người đều đi nghỉ, mới có thể thấy hết được những điều đó và người dịch có nhiều cơ hội truyền tải thông điệp tốt hơn. Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy và nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, có vốn sống, vốn văn hóa nhiều thì sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Thế cho nên, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.

 

 "C òn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho việc hình thành
 một môi trường dịch chuyên nghiệp" - Ảnh: M.H


Công việc này cũng rất bạc bẽo. Dịch đúng là chuyện đương nhiên, dịch có sai sót, chưa tới, chưa đạt sẽ bị phê bình chỉ trích (nhiều khi với ác ý), thậm chí thân bại danh liệt. Trong tác phẩm dịch của bất cứ ai khi đặt lên bàn mổ xẻ đều có chỗ chưa đạt. Không có dịch giả hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là ý thức khắc phục sai lầm đó. Sống trong văn hóa Việt còn không thể hiểu hết văn hóa Việt nữa là văn hóa, ngôn ngữ khác. Gốc văn hóa, cách thức sử dụng tiếng khác nhau. Quan trọng là ý thức của người dịch chuyển thể như thế nào. Một nguyên tắc nữa là người dịch không bao giờ được ảo tưởng rằng vinh quang dành cho tác phẩm là của mình. Vinh quang ấy được dành cho tác giả chứ không phải dịch giả. Dịch giả không bao giờ là đồng tác giả.

PV:Vừa cho ra mắt cuốn sách dịch đầu tay, ngay lập tức anh đã gây được sự chú ý bằng một giải thưởng cao. Đây là một xuất phát điểm tương đối thuận lợi mà không phải người dịch nào cũng có được. Có bao giờ anh nghĩ mĩnh sẽ trở thành một dịch giả chuyên nghiệp ?

NĐT: Hiện nay ở Việt Nam ít dịch giả chuyên nghiệp mà chủ yếu là người dịch amateur. Amateur ở đây không có nghĩa là dịch ẩu, dịch bừa mà là dịch vì niềm đam mê chứ không coi nghề dịch là nghề kiếm sống. Tôi cũng là một người dịch amateur và tôi đến với nghề dịch vì yêu, vì đam mê và với tôi đam mê là điều quan trọng nhất. Hiện ở Việt Nam chưa có cái gọi là nghề dịch, thù lao hay nhuận bút thì rất thấp không đủ sống, cũng không có Hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho dịch giả, nguồn sách gốc cũng không dồi dào; người Việt Nam không có điều kiện du lịch ở nước ngoài nhiều, không mấy người học dịch được đi tu nghiệp ở nước ngoài, thậm chí một quyển Từ điển tiếng Việt hoàn chỉnh cũng chưa…như vậy còn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho việc hình thành một môi trường dịch chuyên nghiệp.

PV:Anh nói rằng, mình đến với nghề dịch là do đam mê và lại muốn truyền những niềm đam mê đó tới cho nhiều người khác. Anh có dám bỏ hết mọi công việc hiện tại của mình để đi đến tận cùng của đam mê ?

NĐT: Tôi sẽ không làm vậy vì như thế rất ích kỉ. Người ta sống còn cho cả người xung quanh chứ đâu phải cho mình mình đặc biệt là người Việt Nam. Tôi còn có gia đình, và bạn bè. Có người bạn bảo tôi, đời người ta nên sống giữa một tam giác ba cạnh là bạn bè, công việc, gia đình. Đặt cái tôi ở chính giữa tam giác đó, để tạo ra sự cân bằng nhất định. Việc bỏ tất cả mọi thứ không đảm bảo cho mình một cuộc sống như mình mong muốn.

Một nghệ sĩ là người sinh ra để làm nghệ thuật, nếu như không làm không chịu được chính vì thế họ có thể bỏ tất cả để làm việc đó. Nhà văn không viết thì không thể chịu được, họa sĩ không vẽ không thể chịu được đó mới là những nghệ sĩ thực thụ. Nếu họ không làm mà vẫn chịu được thì không phải là nghệ sĩ hoàn toàn. Tôi có tư chất nghệ thuật nhưng không phải là một nghệ sĩ nên không thể bỏ tất cả để lao theo nó được.

 


 Nguyễn Đình Thành và con trai - Ảnh: M.H

PV:Dịch sách văn chương vì đam mê, cũng là người nhiều băn khoăn, trăn trở. Sao anh không thử trút những điều đó lên những trang viết ?

NĐT: Trong mỗi con người đều có nhu cầu để giải tỏa và bản thân tôi cũng thế. Tôi cũng đã viết ba truyện ngắn và có một số ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình nhưng cũng mới chỉ là phác thảo ý tưởng trên vài trang viết cho đỡ quên. Nhiều lúc bật máy định viết nhưng đọc Mi là người bình thường của bác Lê Đạt (nhà thơ Lê Đạt) thì lại thấy xấu hổ quá nên không viết nữa.

Tôi thấy, thay vì viết ra một cái gì đó chưa chín, chưa hay thì dịch tác phẩm hay của người khác để cho độc giả đọc. Những tác phẩm ấy sẽ mang lại hiệu ứng tích cực nhiều hơn.

PV:Suy nghĩ của những người học ngoại ngữ và có thời gian sống ở nước ngoài lạ lắm. Tôi thấy họ có những suy nghĩ rất hay, đặc biệt là khi họ viết văn. Có thể chỉ ra đây một số gương mặt như Thuận, Phan Việt… Tôi rất thích cách viết văn thông minh của họ, dù họ vẫn chưa thực sự có gì đột phá nhưng tôi tin trong tương lai, họ sẽ có những tác phẩm hay nếu tiếp tục đào sâu với nghề viết.

NĐT: Những người biết ngoại ngữ có điều kiện để đọc nhiều hơn những nguồn tri thức từ gốc. Những người đã đi du học có nhiều điều kiện tiếp xúc với một nền văn hóa khác nhưng điều này không có gì để khẳng định là họ sẽ viết tốt hơn. Họ có nhiều cơ hội hơn người không biết ngoại ngữ , còn để viết hay hơn thì không phải vì đó chỉ là điều kiện cần. Để viết hay còn cần đến tài năng văn học và rất nhiều yếu tố khác nữa.

(Còn nữa)

Tuấn Hải (Vietimes) thực hiện.

http://www.vietimes.com.vn/vn/nhietkevanhoa/5688/index.viet